Dù được áp dụng theo các cách khác nhau nhưng quy định luật ở nhiều nước đều khẳng định việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là quyền của người lao động (NLĐ).
Với người tham gia BHXH, luôn có hai phương án chi trả: Một là rút một lần và hai là hưởng hàng tháng. Dù vậy, chính phủ và cơ quan BHXH các nước đều không khuyến khích NLĐ rút BHXH một lần.
Lý do căn cơ chính là thấy được các thách thức rất lớn trong dài hạn với bản thân người rút BHXH một lần và với ngân sách Chính phủ. Nghiên cứu với dữ liệu về người cao tuổi ở châu Âu nói riêng và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nói chung cho thấy, khi về già, nhiều người rút BHXH một lần có cuộc sống bấp bênh về thu nhập, sức khỏe kém…
Đặc biệt, khi sức lao động giảm nhanh, sự hỗ trợ của gia đình ít hơn, những người này lại trở thành người nhận khoản trợ giúp xã hội với mức hưởng thấp do ngân sách nhà nước chi trả. Nếu xu hướng này phổ biến sẽ làm số lượng người hưởng trợ cấp tuổi già càng nhiều và sẽ tạo gánh nặng rất lớn về ngân sách với Chính phủ và điều này quay lại tạo sức ép tăng thuế để tăng nguồn thu.
Ở Việt Nam, khảo sát của một số cơ quan, tổ chức với lao động rút BHXH một lần cho thấy, phần lớn người rút BHXH một lần đều có ít nguồn thu nhập thay thế, và tiền nhận được từ BHXH gần như là giải pháp duy nhất để họ giải quyết nhu cầu chi tiêu của cá nhân và gia đình (như học tập, chăm sóc sức khỏe…).
Thống kê về nhận BHXH một lần cũng cho thấy, mức hưởng cũng không phải đủ lớn để đầu tư “ra tấm ra món”. Trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa hồi phục hoàn toàn sau Covid-19 và các thị trường còn nhiều rủi ro thì cũng khó mà đạt được hiệu quả đầu tư và có thể mất trắng nếu kỹ năng, kiến thức đầu tư tài chính hạn chế. Vì thế, việc rút BHXH một lần đang thực sự là thách thức lớn ở cả ngắn hạn và dài hạn với cá nhân NLĐ và hệ thống BHXH về mặt bao phủ và tài chính.
Để phù hợp và thích ứng với các thách thức đó, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra những quy định mới về rút BHXH một lần. Cơ sở quan trọng nhất của việc điều chỉnh quy định chính là Nghị quyết 28/2018, với chủ trương mở rộng bao phủ của hệ thống BHXH thông qua việc xác định BHXH không chỉ là quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào quỹ, mà còn bao gồm quan hệ đóng hưởng vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, một bộ phận người cao tuổi hiện đang được quy định trong chính sách bảo trợ xã hội (không trực tiếp đóng góp vào quỹ BHXH, do ngân sách nhà nước chi trả), được tích hợp sang “bảo hiểm” (đóng góp và hưởng theo mức đóng góp) để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo thông lệ quốc tế. Vì thế, các quy định mới nhằm hai mục đích, đó là i – vẫn duy trì sự tham gia của NLĐ ngay cả sau khi họ đã thực hiện rút BHXH, và ii – NLĐ vẫn có thể hưởng lương hưu hàng tháng khi tới tuổi hưu, dựa trên đóng góp tích lũy của họ – tức là, thu nhập tuổi già của họ sẽ từ “bảo hiểm” chứ không phải chờ “trợ giúp”.
Cụ thể hơn, theo như quy định hiện hành, một khi NLĐ rút BHXH một lần toàn bộ số tiền đã đóng thì sau này người đó muốn quay lại tham gia hệ thống để có thể hưởng các chế độ BHXH thì phải “đi từ vạch xuất phát” (tức là tính đóng lại từ đầu) và điều này là không thể với những người ở độ tuổi không cho phép đóng đủ số năm tối thiểu.
Vấn đề này được giải quyết theo đề xuất trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, đó là nếu có rút BHXH một lần thì NLĐ chỉ rút không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Cũng có nhiều tranh luận về tỷ lệ rút BHXH nhưng cho tới nay chưa có nghiên cứu sâu nào phân tích tỷ lệ nào là hợp lý và đây chính là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Dù vậy, chủ trương của dự thảo là đúng đắn xét cả trên góc độ nhân văn và góc độ tài chính: Khi NLĐ gặp khó khăn tạm thời, họ có thể rút một phần tiền đã tích lũy để giải quyết nhu cầu thanh khoản trước mắt; đồng thời, phần còn lại vẫn giữ cho tương lai và được tiếp tục “bảo hiểm” cũng như để ngỏ cơ hội cho NLĐ quay lại tiếp tục đóng góp.
Để NLĐ tiếp tục tham gia hệ thống thì ngoài quy định với rút BHXH một lần, tôi cho rằng việc bổ sung dần các quyền lợi ngắn hạn, ví dụ như chế độ thai sản với người tham gia BHXH tự nguyện, là điều hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, trong quá trình sửa đổi Luật Việc làm, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần thiết xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, để chủ động hỗ trợ NLĐ không bị mất việc.
Trong trường hợp mất việc, NLĐ cần được đào tạo, giới thiệu, chuyển đổi việc làm kịp thời để rút ngắn thời gian chờ đợi quay trở lại thị trường lao động. Sự “tàn phá” kinh tế của đại dịch Covid-19 cho thấy, bảo hiểm thất nghiệp giảm bớt một phần khó khăn với lao động tham gia BHXH bắt buộc khi họ mất việc làm.
Vì phần lớn NLĐ “cực chẳng đã” mới phải rút tiền BHXH để giải quyết nhu cầu chi tiêu trước mắt nên cũng cần có những hỗ trợ ngắn hạn để những NLĐ và gia đình vượt qua khó khăn, đặc biệt với những lao động bị mất việc và khó khăn trong việc tìm công việc hay sinh kế thay thế. Cùng lúc đó, giải thích thấu đáo về quy định rút BHXH một lần và những hỗ trợ ngắn hạn cho NLĐ thì sẽ tạo được tâm lý sẵn sàng cho những người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.
Với xu hướng già hóa dân số rất nhanh trong những thập kỷ tới đây, việc điều chỉnh một cách phù hợp các quy định của Luật BHXH, trong đó có việc rút BHXH một lần, giúp thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 28/2018 đã nêu trên. Một khi thu hẹp được “nhóm ở giữa mất tích” (the missing middle – là những người không nghèo nhưng cũng không giàu và chưa tham gia BHXH) sẽ mở rộng được bao phủ của BHXH để sau này trở thành người cao tuổi, họ hưởng hưu trí chứ không phải trợ cấp.
Link: https://dantri.com.vn/tam-diem/dieu-quan-trong-hon-ca-chuyen-rut-bhxh-mot-lan-20230320123655001.htm?