Với tính đặc thù riêng và việc tập hợp được một cộng đồng người chơi đông đảo ở mọi lứa tuổi, thế giới game luôn có những thuật ngữ độc đáo khiến các newbie bối rối mỗi khi đọc được. Tuy vậy, có rất ít nguồn tin về eSports cắt nghĩa rõ ràng các thuật ngữ này khiến cho việc lý giải của người chơi mới trẻ nên khó khăn, trong số này bao gồm cả Smurf.
Smurf là gì?
Smurf là một thuật ngữ trong giới mê game ám chỉ một người chơi có trình độ cao nhưng lại dùng các tài khoản cấp độ thấp để giành chiến thắng trước những người thua kém về mặt kỹ năng.
Thông thường, tình trạng Smurf xảy ra phổ biến trên các dòng game leo rank có hệ thống phân chia thứ hạng game thủ rất rõ ràng. Có thể kể đến như Liên Quân Mobile, Liên Minh Huyền Thoại, DoTA 2, CS:GO. Do sự cách biệt lớn về trình độ nên ván đấu thường diễn ra theo chế trận một chiều, ảnh hưởng tới chất lượng game đấu và làm giảm hứng thú của tất cả những người tham gia.
Xuất xứ của thuật ngữ Smurf
Smurf thực tế là tên của loạt nhân vật hoạt hình với nước da xanh rất nổi tiếng vào thập niên 90. Đây cũng là nguồn cảm hứng để hai game thủ WarCraft II chuyên nghiệp trên máy tính thời kỳ đó là Shiongor và Warp đặt cho mình hai nick name PapaSmurf và Smurfette nhằm tham gia chơi trong chế độ multiplayer online mà không bị các người chơi khác từ chối chơi cùng vì trình độ quá chênh lệch.
Theo thời gian, sự việc được cộng đồng WarCraft II phát hiện ra và kể từ khi đó, cái tên Smurf gắn liền với hành động sử dụng tài khoản phụ nhằm thi đấu với những người chơi có kỹ năng kém hơn, sau đó dần phổ biến cùng với sự phát triển rực rỡ của ngành công nghiệp game.
Điều gì khiến các game thủ chuộng Smurf?
Có nhiều lý do dẫn tới hiện tượng Smurf của giới game thủ chuyên nghiệp và những người có trình độ cao ở một trò chơi nhất định. Trong đó gồm một vài nguyên nhân phổ biến như muốn thử nghiệm một chiến thuật mới, hoặc chuyển đổi vai trò mới mà không muốn bị ảnh hưởng tới chỉ số elo của tài khoản chính.
Ngoài ra, việc phải chờ đợi quá lâu để tìm được một đối thủ tương xứng trình độ ở mức rank cao cũng khiến nhiều game thủ chuyên nghiệp ngán ngẩm, cân nhắc tìm tài khoản thứ hạng thấp hơn nhằm tránh ảnh hưởng đến quỹ thời gian tập luyện. Một điều nữa là họ muốn tìm lại cảm giác chiến thắng sau khi gặp thất bại trong quá trình train team hoặc leo hạng.
Tác động tiêu cực của hành vi Smurf
Khi tạo ra hệ thống phân cấp xếp hạng theo rank, các nhà phát triển không chỉ muốn nâng tầm cảm giác chiến thắng khi chúng ta tham gia vào một trận đấu mà còn hướng tới việc để các game thủ tự phân loại nhau dựa trên trình độ. Thuật toán sẽ dựa trên tỉ lệ chiến thắng/thất bại của mỗi người để tìm kiếm bạn chơi có kỹ năng tương ứng nhằm duy trì độ gay cấn cần thiết cho game.
Viêc các game thủ kỹ năng cao thực hiện hành vi Smurf sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính cân bằng vốn có của game đấu và gia tăng tỉ lệ chiến thắng lên rất nhiều. Những ai có kỹ năng thấp hơn sẽ dễ dàng bị “ăn hành” bởi các Smurf, làm hỏng chuỗi thắng của họ, đồng thời gây nên sự ức chế cũng như cảm giác hụt hẫng.
Không chỉ vậy, Smurf còn là nguồn gốc của việc “cày thuê” – khi xuất hiện một bộ phận Smurf chuyên leo rank giúp người khác để nhận thù lao. Nhằm đảm bảo tính công bằng, các nhà phát hành game thường đưa ra án phạt rất nặng dành cho game thủ chuyên nghiệp thực hiện hành vi này.
Tạm kết
Như vậy, bạn đã hiểu sơ lược về hành vi Smurf và những tác động tiêu cực của việc này tới trải nghiệm của cộng đồng game thủ nói chung. Dù cũng đem lại một số điều tích cực với bản thân người Smurf nhưng nhìn chung đây luôn là vấn đề khiến các đơn vị điều hành game phải đau đầu nhiều năm nay.